Đang tải...
 

Tổng Quan Visa Việt Nam

Các nước được miễn thị thực (visa) nhập cảnh việt nam

- Trừ công dân thuộc các nước được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam, công dân thuộc các nước còn lại phải xin visa tại Đại sứ quán/ Lãnh sự quán Việt Nam tại nước mà họ đang cư trú hoặc nhận visa vào Việt Nam tại sân bay quốc tế của Việt Nam.
  • Công dân Liên bang Nga mang hộ chiếu phổ thông, không phân biệt mục đích nhập cảnh, được miễn thị thực nhập xuất cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày
  • Công dân Nhật Bản và công dân Hàn Quốc, không phân biệt loại hộ chiếu (Thực tế, chủ yếu áp dụng đối với HCPT vì Nhật Bản và Hàn Quốc đã có thoả thuận với Việt Nam về miễn thị thực cho người mang HCNG, HCCV), được miễn thị thực nhập xuất cảnh Việt Nam với thời gian tạm trú không quá 15 ngày
  • Công dân Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thuỵ Điển không phân biệt loại hộ chiếu và mục đích nhập cảnh được miễn thị thực nhập xuất cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 15 ngày
  • Công dân Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày
  • Quan chức, viên chức Ban Thư ký ASEAN, công dân các nước Asian được miễn thị thực Việt Nam với thời hạn tạm trú không quá 30 ngày, không phân biệt họ mang hộ chiếu gì.

Lưu ý: Đối với khách quốc tịch Trung Quốc phải xin visa trước tại Đại Sứ Quán (DSQ) hoặc Lãnh Sự Quán (LSQ) Việt Nam tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Nam Ninh, trước khi nhập cảnh Việt Nam. Việc xin visa vào Việt Nam có thể chọn 1 trong 2 cách sau: Nộp hồ sơ trực tiếp tại DSQ/LSQ Việt Nam; hoặc thông qua công ty du lịch ở Việt Nam xin công văn trước và nhận visa tại DSQ/LSQ Việt Nam tại Trung Quốc

Giá trị sử dụng và hình thức của visa việt nam

  • Visa có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích.
  • Visa được cấp riêng cho từng người, trừ trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi được cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.
  • Visa được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời.

Nơi được phép nhận visa việt nam

  • Thông thường người nước ngoài trước khi vào Việt Nam họ phải xin visa trước, việc xin visa bắt buộc đương đơn phải đến Đại Sứ Quán (ĐSQ) hoặc Lãnh Sự Quán (LSQ) Việt Nam ở nước của họ hoặc các nước có cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam. Hiện tại ngoài việc dán visa tại ĐSQ hoặc LSQ của Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có thêm lựa chọn khác là nhận visa tại các sân bay quốc tế và cửa khẩu quốc tế của Việt Nam, đối với các trường hợp nhận visa tại sân bay quốc tế và cửa khẩu quốc tế của Việt Nam phải xin công văn nhập cảnh trước hay còn gọi là “Approval letter”, việc xin công văn nhập cảnh có thể thông qua công ty du lịch hoặc công ty, doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam

Ký hiệu của các loại visa Việt Nam

  • NG1 Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
  • NG2 Cấp cho thành viên đoàn khách mời của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; thành viên đoàn khách mời cùng cấp của Bộ trưởng và tương đương, Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • NG3 Cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ.
  • NG4 Cấp cho người vào làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ; người vào thăm thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ.
  • LV1 Cấp cho người vào làm việc với các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
  • LV2 Cấp cho người vào làm việc với các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
  • ĐT Cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.
  • DN Cấp cho người vào làm việc với doanh nghiệp tại Việt Nam.
  • NN1 Cấp cho người là Trưởng văn phòng đại diện, dự án của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
  • NN2 Cấp cho người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa, tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
  • NN3 Cấp cho người vào làm việc với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam.
  • DH Cấp cho người vào thực tập, học tập.
  • HN Cấp cho người vào dự hội nghị, hội thảo.
  • PV1 Cấp cho phóng viên, báo chí thường trú tại Việt Nam.
  • PV2 Cấp cho phóng viên, báo chí vào hoạt động ngắn hạn tại Việt Nam.
  • LĐ Cấp cho người vào lao động.
  • DL Cấp cho người vào du lịch.
  • TT Cấp cho người nước ngoài là vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của người nước ngoài được cấp thị thực ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ hoặc người nước ngoài là cha, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam.
  • VR Cấp cho người vào thăm người thân hoặc với mục đích khác.
  • SQ Cấp cho các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật này.

Thời hạn của các loại Visa Vệt Nam

  • Thị thực ký hiệu SQ có thời hạn không quá 30 ngày.
  • Thị thực ký hiệu HN, DL có thời hạn không quá 03 tháng.
  • Thị thực ký hiệu VR có thời hạn không quá 06 tháng.
  • Thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG3, NG4, LV1, LV2, DN, NN1, NN2, NN3, DH, PV1, PV2 và TT có thời hạn không quá 12 tháng.
  • Thị thực ký hiệu LĐ có thời hạn không quá 02 năm.
  • Thị thực ký hiệu ĐT có thời hạn không quá 05 năm.
  • Thị thực hết hạn, được xem xét cấp thị thực mới.
  • Thời hạn thị thực ngắn hơn thời hạn hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế ít nhất 30 ngày.

Điều kiện và các trường hợp được cấp thị thực

  • Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
  • Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh;

Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh:

a. Hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu hết hạn;
b. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người dám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng;
c. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú;
d.Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng;
e. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực;
f. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày buộc xuất cảnh có hiệu lực;
g. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh;
h.Vì lý do thiên tai;
i. Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh:

a. Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư;
b. Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư;
c. Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động;
d. Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Các trường hợp được cấp thị thực rời

a. Hộ chiếu đã hết trang cấp thị thực;
b. Hộ chiếu của nước chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;
c. Giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế;
d. Vì lý do ngoại giao, quốc phòng, an ninh;

Các trường hợp được miễn thị thực

a. Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
b. Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú;
c. Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt;
d. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời đủ điều kiện bảo lãnh người nước ngoài

Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam bao gồm:
a. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;
b. Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư tỉnh ủy, Bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
c. Các ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
d. Tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
đ. Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
e. Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
g. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam;
h. Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài; văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hóa và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam;
i. Tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam;
k. Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú.

- Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định hoặc giấy phép hoạt động được cấp. Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú được mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam thăm và phải có giấy tờ chứng minh quan hệ với người được mời, bảo lãnh.
Top
Chat với chúng tôi qua Zalo
Chat ngay để nhận tư vấn
Gọi tư vấn
Để lại lời nhắn cho chúng tôi